Bài tuyên truyền về tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm

Đăng lúc: 10:49:07 25/04/2024 (GMT+7)

Kính thưa quý vị và toàn thể bà con nhân dân!

 

 Trong những năm gần đây, do biến đổi của khí hậu, tình hình thiên tai, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp; Từ năm 2021, bệnh viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn. Đã có nhiều trâu bò, bê bị mắc bệnh và đã tiêu hủy; có nhiều con lợn bị mắc bệnh dịch tả Châu Phi đã tiêu hủy, nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn do vậy UBND xã yêu cầu các hộ chăn nuôi chấp hành nghiêm công tác tiêm phòng.

Để chủ động phòng chống bệnh gia súc, gia cầm, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, Việc phòng bệnh cho vật nuôi hiện nay là một điều vô cùng quan trọng và nó trở thành một công tác không thể thiếu trong quy trình chăn nuôi. Do vậy sử dụng vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi là biện pháp tốt nhất để đảm bảo cho nền chăn nuôi phát triển bền vững và an toàn. Điều quan trọng hơn nữa là làm tốt công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh động vật sẽ giúp khống chế các loại bệnh truyền nhiểm phát sinh, lây lan trên diện rộng nhằm phát chăn nuôi bền vững, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe cho ngườì dân và môi trường sinh thái, góp phần phát triển kinh tế, xã hội xã nhà.

Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy đàn gia súc, gia cầm được tiêm đúng, tiêm đủ các loại vắc xin theo đúng yêu cầu sẽ có tác dụng miễn dịch chống lại các dịch bệnh, giảm thiệt hại kinh tế do gia súc, gia cầm ốm chết và bị tiêu hủy do dịch, góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân và cả cộng đồng; Việc chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là quy định bắt buộc của Nhà Nước đối với mỗi cá nhân, tổ chức có chăn nuôi gia súc, gia cầm; Các hành vi không chấp hành quy định tiêm phòng, làm phát sinh dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm sẽ bị xử lý theo quy định của Luật thú y, Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y; Thông tư 04/2020 ngày 03/01/2020 sửa đổi, bổ sung 1 số điều của nghị định 90/2017/NĐ-CP. 

Sau đây là một số quy định về xử lý vi phạm hành chính theo quy định:

 

Điều 7. Vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn (Thông tư 04/2020 ngày 03/01/2020 sửa đổi, bổ sung 1 số điều của nghị định 90/2017/NĐ-CP )

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;

b) Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện cách ly, chăm sóc, chữa bệnh cho động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, trừ trường hợp cấm chữa bệnh hoặc phải giết mổ, tiêu hủy bắt buộc.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện việc giám sát dịch bệnh động vật tại cơ sở theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y;

b) Không theo dõi, ghi chép quá trình phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật.

5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, tẩy xóa, sửa chữa Giấy chứng nhận tiêm phòng cho động vật.

6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành việc lấy mẫu giám sát định kỳ đối với một số bệnh truyền lây giữa động vật và người; gia súc giống, gia cầm giống và bò sữa theo quy định.

7. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Giết mổ, mua bán động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch;

b) Chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, ấp nở trứng gia cầm hoặc kinh doanh gia súc, gia cầm tại địa điểm không theo quy hoạch hoặc không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu Giấy chứng nhận tiêm phòng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc phải lấy mẫu, xét nghiệm bệnh động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này;

b) Buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 7 Điều này.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật thì phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng. Đối với hành vi không chấp hành việc sử dụng vắc xin hoặc các biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc khác tại vùng có dịch thì các chủ hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nếu không chấp hành việc tiêm phòng có thể sẽ bị sẽ phạt vi phạm hành chính từ hai đến ba triệu đồng. Đối với hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng, chủ hộ chăn nuôi sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Do vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành nghiêm chỉnh công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; Chủ động theo dõi lịch tiêm phòng của các thôn để hỗ trợ bắt giữ gia súc, gia cầm, phục vụ tiêm phòng bảo đảm cho đàn gia súc, gia cầm được tiêm đúng, tiêm đủ vắc xin theo quy định.

Trên đây là một số nội dung quan trọng trong công tác phòng chống bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và một số quy định của pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thú y, Ủy ban nhân dân xã tuyên truyền để bà con nhân dân được biết và nghiêm chỉnh chấp hành.

                                                            

                                                                Coiong chức TP-HT xã

 

 

 

                                                                     Lê Thị Thủy