BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT HOÀ GIẢI Ở CƠ SỞ
BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT HOÀ GIẢI Ở CƠ SỞ
BÀI TUYÊN TRUYỀN
PHÁP LUẬT HOÀ GIẢI Ở CƠ SỞ
Kính thưa: Toàn thể cán bộ và nhân dân trong xã
Trong tình hình hiện nay, việc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng được coi trọng. Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực của công tác trong đời sống xã hội, đồng thời nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật trong toàn xã hội; đưa công tác phổ biến giáo dục pháp luật phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, góp phần bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân.
Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật hòa giải cơ sở. Từ thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở cho thấy, hòa giải ở cơ sở có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Bởi khi hòa giải các hòa giải viên bên cạnh việc dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán tốt đẹp để tác động đến tâm tư tình cảm của các bên, khơi dậy trong họ những suy nghĩ, tình cảm tích cực, còn phải vận dụng các quy định pháp luật để giải thích hướng dẫn các bên, giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình để tự lựa chọn, tự dàn xếp ổn thỏa với nhau những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật. Theo đó thông qua hòa giải, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách tự nhiên, trực tiếp, có sức thẩm thấu sâu sắc, sức lan tỏa rộng.
1. Phương thức và các bước tiến hành hoà giải
1.1. Phương thức tiến hành hoà giải
Việc hoà giải được tiến hành chủ yếu bằng lời nói: tổ viên Tổ hoà giải trực tiếp gặp gỡ các bên, dùng tình cảm, lý lẽ để thuyết phục các bên đạt được sự thoả thuận tự giải quyết các tranh chấp, vi phạm.
Trong trường hợp các bên tranh chấp yêu cầu tổ viên Tổ hoà giải lập biên bản hoà giải thì Tổ hoà giải lập biên bản. Tuy nhiên, biên bản hoà giải không phải là một chứng cứ pháp lý và cũng không làm phát sinh hậu quả pháp lý. Đó chỉ là sự thoả thuận giữa các bên mang ý nghĩa đạo lý, danh dự và tạo nên một sự ràng buộc về mặt đạo lý và tâm lý giữa các bên. Trong trường hợp đã có biên bản hoà giải thành nhưng sau đó các bên lại không muốn thực hiện thoả thuận đó thì không ai có quyền cưỡng chế các bên thi hành kết quả hoà giải thành đã được ghi nhận trong biên bản. Tổ hoà giải cũng chỉ có thể dựa vào biên bản hoà giải để thuyết phục các bên thực hiện kết quả hoà giải.
Trong trường hợp được các bên đồng ý, việc hoà giải cũng có thể lập thành biên bản. Tổ viên Tổ hoà giải có thể dựa vào biên bản hoà giải để làm cơ sở cho việc thuyết phục các bên tranh chấp đạt tới thoả thuận và thực hiện thoả thuận. Đối với việc tranh chấp về hôn nhân và gia đình, nếu hoà giải không thành thì tổ viên Tổ hoà giải nên lập biên bản hoà giải không thành làm cơ sở pháp lý để Toà án thụ lý vụ việc.
Tuy nhiên, từ quy định của Pháp lệnh, thì hoà giải do tổ hoà giải thực hiện không nhất thiết phải tuân theo một thủ tục chặt chẽ mà có thể tiến hành hoà giải ở mọi lúc, mọi nơi mà tổ viên Tổ hoà giải thấy thuận tiện cho việc hoà giải và việc hoà giải đạt kết quả, không cần trụ sở, biên bản, bàn giấy tổ viên Tổ hoà giải chỉ dùng lời lẽ thuyết phục các bên, giúp họ đạt được thoả thuận.
1.2. Các bước tiến hành hoà giải
Từ thực tiễn hoạt động hoà giải có thể khái quát các bước tiến hành hoà giải được thực hiện như sau:
Bước 1: Trước khi hoà giải
- Khi xảy ra vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên, người hoà giải cần có mặt kịp thời gặp gỡ các bên tranh chấp để can ngăn, dàn xếp, làm dịu tình hình căng thẳng giữa các bên khuyên nhủ hai bên có thái độ đúng mực, tôn trọng trật tự trị an. phải, trái, đúng, sai sẽ được giải quyết rõ ràng đồng thời nhắc nhở quần chúng xung quanh có trách nhiệm ổn định tình hình, không nên có thái độ châm chọc, kích động lửa cháy đổ thêm dầu, không nên kéo bè, lập cánh tổ chức thành cuộc ẩu đả lớn dẫn đến hành vi phạm tội Đối với những vụ việc như đánh nhau, gây mất trật tự, an ninh trên địa bàn dân cư, tổ viên Tổ hoà giải cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời và hạn chế các thiệt hại về người, về vật chất có thể xảy ra;
- Tìm hiểu nhanh nguyên nhân gây ra vụ việc, kịp thời thuyết phục, không để việc bé xé ra to, việc đơn giản thành việc phức tạp;
- Có thể hội ý nhanh trong tổ hoà giải để bàn biện pháp hoà giải, phân công các hoà giải viên nắm chắc vụ việc, tiếp xúc với các đương sự để tiến hành hoà giải kịp thời. Nếu gặp vụ việc tranh chấp phức tạp, mâu thuẫn giữa các bên gay gắt, có thể gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trong địa bàn dân cư thì Tổ hoà giải kịp thời báo cáo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp giải quyết.
Đây là bước quan trọng, nếu làm tốt bước này sẽ hạn chế, ngăn ngừa mâu thuẫn phát triển, tạo điều kiện cho việc hoà giải tiếp theo.
Bước 2: Tiến hành hoà giải
Đây là bước quan trọng có tính chất quyết định thành công hay thất bại của việc hoà giải. Để thực hiện bước này, tổ viên Tổ hoà giải cần làm những việc sau:
- Trực tiếp trao đổi với từng bên, tìm hiểu thêm các nguyên nhân mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh;
- Lựa chọn thời gian thích hợp để các bên gặp gỡ, trao đổi phân tích vụ việc, làm rõ đúng sai, dựa vào quy định của pháp luật, truyền thống đạo đức, phong tục tập quán để phân tích cho các bên thấy rõ lỗi của mình;
- Nắm chắc đặc điểm, tâm lý của từng bên cũng như tính chất vụ việc để áp dụng nghệ thuật hoà giải, tránh vội vàng, nôn nóng, chụp mũ hoặc làm tổn hại đến danh dự, tự ái cá nhân của các bên;
- Khi hoà giải tại gia đình (hoặc nơi do các bên tranh chấp yêu cầu), chủ yếu dùng tình cảm, uy tín, lẽ phải để thuyết phục các bên, không nên hình thức, phức tạp hoá trong khâu tổ chức thực hiện;
- Tuỳ từng trường hợp cụ thể, người tiến hành hoà giải chủ trì buổi gặp gỡ trao đổi, có thể mời thêm một số người làm chứng hoặc đại diện của một số tổ chức đoàn thể, người cao tuổi, người có uy tín, bạn bè thân thích... tham gia. Việc gặp gỡ trong buổi hoà giải phải tạo ra được thái độ thân mật, cởi mở và chân thành trên cơ sở tình làng, nghĩa xóm, không lấy biểu quyết hoặc dùng áp lực, áp đặt thoả thuận của các bên.
Bước 3. Sau khi hoà giải
Trong bước này, người tiến hành hoà giải có thể thực hiện các công việc sau:
- Nếu vụ việc hoà giải thành, tổ viên Tổ hoà giải cần động viên, thăm hỏi các bên và nhắc nhở các bên thực hiện cam kết của mình, tạo điều kiện để họ thực hiện tốt cam kết. Có thể biểu dương, động viên kịp thời việc thực hiện các cam kết của các bên trong các cuộc họp dân cư;
- Nếu vụ việc hoà giải không thành thì tổ hoà giải cần dàn xếp ổn định và hướng dẫn các bên đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Dù hoà giải thành hay không thành, người làm công tác hoà giải cũng cần ghi chép vào sổ công tác về hoà giải để phục vụ cho việc thống kê báo cáo và tổ chức hội ý rút kinh nghiệm trong tổ hoặc đề đạt xin ý kiến của Ban Tư pháp xã.
Một số điểm cần lưu ý khi tiến hành hoà giải
- Thường xuyên nắm tình hình để kịp thời phát hiện và có các biện pháp thích hợp để ngăn chặn các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư;
- Cần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến vụ việc hoà giải đặc biệt là những người có vai trò quan trọng và uy tín cao trong gia đình, họ tộc và trong cộng đồng dân cư. Đối với vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc cần chú ý và phát huy vai trò của Già làng, Trưởng buôn, Trưởng bản...;
- Khi vận dụng các phong tục tập quán của từng địa phương vào việc hoà giải cần xem xét phong tục, tập quán đó có trái với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hay không. Chỉ được vận dụng các phong tục tập quán tốt đẹp, không trái với những quy định của pháp luật.
Duyệt lãnh đạo Công chức VH - XH Người viết bài
PCT. UBND XÃ
Lê Văn Bình Trương Phú Tuyết Lê Thị Thủy
- BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN
- BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT HOÀ GIẢI Ở CƠ SỞ
- HƯỚNG DẪN CÔNG DÂN XÁC THỰC THÔNG TIN CĂN CƯỚC CÔNG DÂN VÀ CHỨNG MINH THƯ NHÂN DÂN 9 SỐ ĐỐI VỚI TÀI KHOẢN ĐÃ ĐĂNG KÝ TRÊN CỔNG DỊCH VỤ CÔNG QUỐC GIA
- Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm;
- BÀI TUYÊN TRUYỀN LUẬT CĂN CƯỚC
- BÀI TUYÊN TRUYỀN NHŨNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ
- Bài tuyên truyền về phòng ngừa và xử lý hành vi xâm hại trẻ em
- VỀ LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2024
- Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm;
- Mộ số nội dung của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thuốc lá trong lĩnh vực y tế
- Công khai TTHC tuần 3 tháng 7 từ ngày 15 đến 19 tháng 7 năm 2024
- Công khai kết quả TTHc tuần 2 tháng 7 ( từ ngày 8 đến 12 tháng 7)
- Công khai TTHC tuần 1 tháng 7( từ ngày 1 đến 5 tháng 7 năm 2024)
- công khai kết quả TTHC tuần 2( từ ngày 10 đến 14 tháng 6 năm 2024)
- Coong khai kết quả TTHC tuần 1 tháng 6 từ ngày 3 đến 7 tháng 6 năm 2024